Ngày 15.11, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đến thăm, chúc mừng các cơ sở giáo dục và nhà giáo Lê Đức Giảng, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 – 20.11.2022).
Đến thăm Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn gửi lời chúc mừng đội ngũ quản lý, giáo viên; chúc ngành GDĐT tỉnh ngày càng phát triển vượt bậc, đột phá thời gian tới.
Thông tin về tình hình và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay 3 vấn đề tỉnh phải tập trung làm thời gian tới đó là tập trung phát triển KT-XH, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, giáo dục là ưu tiên trong an sinh xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Sở GDĐT cần thống nhất công tác quản lý xuyên suốt toàn ngành; hằng tháng hoặc hằng quý phải thực hiện giao ban trực tuyến.
Mặt khác, Sở GDĐT phải đổi mới tư duy, cách làm. Công tác quản lý ngành phải tạo điều kiện thuận lợi cho các phòng GDĐT, trường học và đơn vị trực thuộc phát triển. Chủ động đến với các phòng GDĐT, trường học, hiểu được cái khó để cùng tháo gỡ, tạo khối thống nhất, đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau cho mục tiêu phát triển chung của ngành GDĐT tỉnh.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được thời gian qua, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn đề nghị Sở GDĐT xây dựng kế hoạch, kịch bản hoạt động ngành dài hơi, đổi mới mạnh mẽ hơn và tạo sự thay đổi căn bản. Đây cũng là vấn đề được Chủ tịch UBND tỉnh “đặt hàng” cho Sở GDĐT. Tỉnh cam kết luôn dành nguồn lực cho sự phát triển của ngành giáo dục.
• Đến thăm, chúc mừng Trường Đại học Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn bày tỏ vui mừng trước những thành tích nổi bật của Trường, khẳng định uy tín công tác đào tạo nhân lực ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và trong nước. Đồng chí bày tỏ mong muốn nhà trường làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nhân lực đảm bảo chất lượng; xây dựng hoạt động đào tạo gắn với thực tế, gắn với chương trình kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Trường chủ động gắn kết, đề xuất, lên ý tưởng đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Tỉnh cũng “đặt hàng” cho trường với đội ngũ chuyên gia các chuyên ngành nghiên cứu tham gia phản biện chính sách, định hướng phát triển của tỉnh tới đây, cùng với tỉnh có những đột phá trên các lĩnh vực KT-XH.
• Chúc mừng đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh hiện nay đào tạo nghề được quan tâm đặc biệt. Đề nghị trường phải có sự gắn kết với các sở, ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu của tỉnh.
• Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định và Trường Mầm non tư thục Măng non, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thăm hỏi tình hình dạy và học, đời sống của giáo viên và học sinh nhà trường; công tác tổ chức chương trình đào tạo, chăm sóc học sinh; vui mừng khi các thầy cô giáo rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, trách nhiệm với học sinh…
Chủ tịch đề nghị Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định làm tốt hơn công tác định hướng, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THPT. Với Trường Mầm non tư thục Măng non, lắng nghe và chia sẻ những khó khăn của mô hình trường tư thục, Chủ tịch động viên các giáo viên yên tâm công tác; đồng thời đề nghị Sở GDĐT, phòng GDĐT TP Quy Nhơn tạo môi trường bình đẳng cho phát triển các cơ sở giáo dục trong hệ thống ngành giáo dục, quan tâm hơn công tác xã hội hóa giáo dục…
• Đến thăm và chúc mừng thầy giáo Lê Đức Giảng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ân cần hỏi thăm sức khỏe và gửi lời chúc tốt đẹp đến thầy và gia đình. Đồng chí Phạm Anh Tuấn cũng bày tỏ sự trân trọng đối với câu chuyện về tình thầy trò của thầy Giảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thầy Lê Đức Giảng, quê ở xã Cát Nhơn (Phù Cát), hiện sinh sống tại TP Quy Nhơn. Năm 1951, thầy Giảng dạy học tại Trường Bổ túc Công nông tỉnh Bình Định. Năm 1955, thầy Giảng tập kết ra Bắc và tham gia giảng dạy ở Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Năm 1959 thầy được cử đi học tại khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; sau đó, thầy được phân công giảng dạy môn Lịch sử tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều ở Gia Lâm (Hà Nội). Thời gian này, thầy Giảng là chủ nhiệm 2 năm liền lớp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm lớp trưởng và Bí thư chi đoàn. Năm 1980, thầy về làm Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm Bình Định. Đến năm 1986 thầy nghỉ hưu.