Ngày xuống Trường cao đẳng Y tế Thanh Hóa nhập học, Sung Văn Chía – chàng trai dân tộc Mông 19 tuổi – nhớ như in lời cha dặn trước lúc mất: “Thằng Chía phải vượt “cổng trời” Mường Lát để học kiếm cái nghề”.
Nhà ở bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), Chía xuôi ra TP Thanh Hóa cho hành trình đi tìm cái nghề nhớ lời cha trối lại, bởi “Cuộc đời cha mẹ không được học hành nhiều nên nghèo khó cứ bủa vây, con trai phải gắng học tốt để sau này thay đổi cuộc đời”.
Mình nỗ lực từng ngày để có thể sang Nhật làm việc hoặc sẽ trở về quê phục vụ trong ngành y tế, chăm sóc sức khỏe cho bà con bản làng mình.
Nhờ bạn mới biết học bổng “Tiếp sức đến trường”
Trong ngôi nhà cấp bốn ẩm thấp, gió lùa tứ bề những ngày thu se lạnh đầu mùa, Sung Văn Chía bảo cũng may nhờ bạn mới biết đến học bổng này. Hồi đầu tháng 8, nhận được giấy báo nhập học ngành điều dưỡng Trường cao đẳng Y tế Thanh Hóa, mấy mẹ con Chía canh cánh nỗi lo vì biết lấy tiền đâu đi học.
Mới 40 tuổi, bố Chía đã mất vì bạo bệnh. Gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai người mẹ. Mà quanh quẩn với nương rẫy chỉ đủ gạo ăn, lấy tiền đâu cho Chía ăn học ba năm ở TP Thanh Hóa. Chía đã nghĩ đến chuyện vào miền Nam làm thuê cùng anh trai để giúp mẹ. Rồi Vàng A Thái – người bạn học phổ thông cùng quê Mường Lát, đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Hồng Đức – giới thiệu về học bổng “Tiếp sức đến trường”.
“Bạn ấy “lướt” Facebook của Huyện Đoàn Mường Lát thấy thông tin về học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ. Hai đứa đăng ký trực tuyến, gửi đi và hệ thống phản hồi đã đăng ký thành công, hồi hộp chờ” – Chía khoe. Và không còn gì vui hơn khi Chía có tên trong danh sách nhận học bổng năm nay.
Phải học để thoát nghèo
Sinh ra trong nghèo khó, hai anh em Chía luôn nung nấu suy nghĩ phải học để thoát cảnh đói nghèo. Rồi cha đổ bệnh, gia đình nuôi được con trâu, con heo nào cũng đều bán hết lo thang thuốc cho cha. Nhưng bệnh ngày càng nặng, cha không qua khỏi. Lúc đó, Chía vừa vào lớp 10, người anh trai đang học năm nhất Trường ĐH Nội vụ về quê chịu tang cha nhưng rồi không bao giờ trở lại trường được nữa vì gia cảnh quá bế tắc.
Ba năm phổ thông, Chía ở làng học sinh của trường để đỡ tốn tiền thuê nhà. Những bữa cơm với muối trắng, rêu sông Mã khiến cậu học trò nghèo nhiều đêm xót ruột, ứa nước mắt nhưng quyết phải học. Bạn bảo ấy là những năm gian khó nhất khi cha mất sớm, mẹ đổ bệnh, anh trai phải bỏ đại học giữa chừng đi làm thuê.
Chía chọn ngành điều dưỡng, cũng là quyết tâm thực hiện cho được lời dặn cuối cùng của cha. Ngày nhập học, mẹ phải vay mượn tạm người thân để Chía lên đường. Bạn cũng ở ké với anh họ để đỡ tiền thuê nhà. Mỗi tháng, mẹ lại gửi gạo, rau củ từ quê xuống để Chía tự nấu ăn, chi tiêu tằn tiện sao cho mỗi ngày không quá 50.000 đồng.
Gần ba tháng nhập trường, Chía đã tính chuyện kiếm việc làm thêm nhưng mẹ và anh trai động viên cứ dành nhiều thời gian học hành cho quen năm thứ nhất đã. Bạn cũng đã lên kế hoạch từ năm sau sẽ đăng ký học tiếng Nhật vì tính tới việc tìm cơ hội xuất khẩu lao động qua Nhật sau khi tốt nghiệp với nghề điều dưỡng viên.
“Mình sẽ dùng tiền học bổng mua giáo trình, tài liệu phục vụ học tập, một phần sẽ mua chiếc xe đạp để đi làm thêm vào cuối tuần. Mẹ ngày càng ốm yếu, thu nhập từ lúa ngô, nương rẫy cũng bấp bênh, lại phụ thuộc thời tiết nên việc chu cấp cho mình sắp tới sẽ còn khó khăn” – Chía nói về dự định chi tiêu số tiền học bổng sẽ nhận.
Bà Thao Thị Xia – mẹ Chía – lại bắt đầu một ngày mới lên nương rẫy khi màn sương còn phủ dày đặc nơi đầu núi. Chia tay mẹ với túi hành lý có một yến gạo, dăm quả bí đỏ, Chía lên xe khách vượt hơn 230km về TP Thanh Hóa. Sung Văn Chía đã vượt “cổng trời” Mường Lát mây mù bao phủ để bước tới cổng trường y, nơi cậu đang hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo của đời mình, cũng là đi tìm cơ hội xóa đi cái đói nghèo bủa vây gia đình.